VIETNAM INTELLECTUAL FEDERATION
Chuyện những người “gieo chữ” ở vùng Đông Trường Sơn

Vượt qua khó khăn gian khổ, hàng ngày, những thầy cô giáo ở vùng Đông Trường Sơn vẫn âm thầm“gieo chữ”, truyền đạt kiến thức cho học sinh với mong ước ươm những mầm xanh tương lai cho đất nước…

Một ngày đầu mùa khô, chúng tôi tìm về xã Hiếu - một xã vùng sâu của huyện Kon Plông.

Xuất phát từ thành phố Kon Tum từ lúc 5h sáng nhưng phải đến 9h, chúng tôi mới đến được Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học (PTDTBT TH) xã Hiếu. Từ đây, mọi người phải tiếp tục vượt hơn 20km đường rừng nhấp nhô sỏi đá nữa mới đến được điểm trường Kon Pling.

Cô Đỗ Thị Kim Tuyến - Hiệu trưởng Trường PTDTBT TH xã Hiếu nhiệt tình dẫn chúng tôi đến điểm trường Kon Pling. Trên đường đi, cô Tuyến cho biết, toàn trường có 27 giáo viên, có 6 điểm trường thì điểm trường Kon Pling xa và khó khăn nhất. Điểm trường này có 5 thầy cô giáo (3 nam, 2 nữ) phụ trách 5 lớp (từ lớp 1-lớp 5) với 61 học sinh, trong đó 100% là người đồng bào DTTS. Cả 5 giáo viên ở điểm trường Kon Pling đều là người ở địa phương khác đến. Người ở thành phố Kon Tum, người ở huyện Sa Thầy, người ở huyện Đăk Hà… nhưng họ đều có điểm chung là tận tụy với công việc. Cứ chiều thứ sáu hàng tuần, các thầy cô giáo dùng chiếc xe máy vượt hơn trăm cây số đường rừng về thăm nhà, chiều chủ nhật lại cặm cụi trở lại trường. Hành trình cứ đều đặn như vậy, nhưng họ không hề ngại xa ngại khó, luôn bám trường, bám lớp dạy cho các em từng con chữ.
 

 
Điểm trường Kon Pling. Ảnh: VP

Tranh thủ giờ ra chơi, thầy Hà Anh Nhất (ở huyện Sa Thầy) - người có thâm niên 15 năm bám làng dạy học tâm sự: Trong 15 năm qua, tôi liên tục vượt quãng đường hơn 130km từ nhà đến trường để làm công tác giảng dạy. Cứ chiều chủ nhật, từ Sa Thầy tôi chạy xe máy lên Trường PTDTBT TH xã Hiếu, rồi vào ở lại điểm trường Kon Pling để dạy học và đến chiều thứ 6 lại làm hành trình ngược lại.

Theo lời kể của thầy Nhất, vợ chồng thầy có 2 con nhỏ. Vì thầy thường xuyên xa nhà nên một tay vợ ở nhà vừa làm nông, vừa chăm sóc các con và cáng đáng việc nhà. Biết hoàn cảnh gia đình thầy Nhất, nhà trường bố trí về dạy ở điểm trường chính, nhưng thầy Nhất vẫn cương quyết xin ở lại điểm trường Kon Pling. Phần vì thương học trò, phần vì thầy Nhất nghĩ, nếu mình về điểm trường chính thì một cô giáo khác sẽ phải vào thay thế nên thầy chấp nhận ở lại gánh vác thay đồng nghiệp nữ.

Thầy, cô giáo tận tụy bám làng "gieo chữ" ở Kon Pling.  Ảnh: VP

Hoàn cảnh tương tự thầy Nhất, cô Nguyễn Thị Hoa (nhà ở thành phố Kon Tum) “khoe” với chúng tôi là cô có thâm niên bám làng “gieo chữ” ở vùng khó của huyện Kon Plông được 8 năm. Cô Hoa cho hay, trước đây, cô dạy ở xã Măng Bút và mới chuyển về điểm trường Kon Pling được 3 năm nay. Tuần nào cũng vậy, một mình cô trên chiếc xe máy vượt quãng đường đồi núi quanh co, hiểm trở hơn 100km từ nhà đến trường; khổ nhất là vào mùa mưa, đường sá lầy lội đi lại khó khăn, có lúc mưa bão gây sạt lở chúng tôi đành ở lại trường chính, chờ khắc phục xong đường để vào điểm trường Kon Pling.

Theo lời kể của cô Hoa, nhiều khi trên quãng đường hàng trăm kilômét ấy, chiếc xe bất ngờ bị hỏng, cô phải dắt bộ cả chục cây số mới đến được tiệm sửa xe.

Cô Hoa cho biết: Nhà có 2 con nhỏ, đứa lớn đang học lớp 1, đứa nhỏ mới hơn 3 tuổi. Những ngày mới sinh xong, hết thời gian nghỉ chế độ, cô phải giao con cho chồng và bà ngoại chăm để quay lại trường công tác.

Hoàn cảnh của vợ chồng thầy Nguyễn Văn Trọng lại khác, cả hai vợ chồng phải sống xa con để bám làng “gieo chữ”. Thầy Trọng dạy ở xã Hiếu, còn vợ thầy - cô Bùi Thị Thu Thảo dạy ở xã Pờ Ê. Làm công tác giảng dạy chung một huyện nhưng vợ chồng thầy Trọng ở hai điểm trường ở 2 xã cách nhau hơn 40 km. Cuối tuần, hai vợ chồng thầy mới sum họp ở khu tập thể của trường ở xã Pờ Ê.

Thầy Nguyễn Văn Trọng cho biết, cả hai vợ chồng thầy cùng quê Bình Định. Cả hai yêu nhau khi còn là sinh viên Trường Đại học Quy Nhơn. Sau khi ra trường, cả hai đưa nhau lên huyện miền núi Kon Plông dạy học, đến nay hơn 10 năm. Vợ chồng thầy Trọng có 2 con; cháu lớn năm nay vào lớp 4, cháu nhỏ mới vừa tròn 1 tuổi. Do công việc, hai vợ chồng thầy Trọng phải gửi 2 con cho ông bà ngoại nuôi nấng, chăm sóc dưới quê nhà ở tỉnh Bình Định.

Thầy Nguyễn Văn Trọng tâm sự: Nghĩ về các con thấy thương nhớ vô cùng, nhưng vì công việc đành chấp nhận. Nhiều lúc nhớ con chỉ biết lôi điện thoại ra ngắm. Hai vợ chồng động viên nhau cố gắng trong công việc và cứ 2 tháng vợ chồng lấy xe máy đèo nhau về Bình Định thăm con.

 
Bữa cơm đạm bạc của thầy, cô giáo ở điểm trường Kon Pling. Ảnh: VP

Về với Trường PTDTBT TH xã Hiếu, chúng tôi được tiếp xúc, được nghe các thầy cô kể nhiều về chuyện trường, chuyện lớp. Ở đó, tuy cuộc sống của những thầy cô giáo bám làng “gieo chữ" đầy gian nan, nhưng vượt lên trên mọi hoàn cảnh, các thầy cô giáo nơi đây vẫn tràn đầy nhiệt huyết yêu nghề, yêu trẻ và hết lòng vì giấc mơ con chữ của những học trò vùng sâu huyện Kon Plông. Họ chính là những bông hoa đẹp tỏa hương thơm ngát giữa núi rừng nơi đây.

Văn Phương