VIETNAM INTELLECTUAL FEDERATION
Miệt mài “gieo chữ” vùng cao
Tròn 16 năm gắn bó với mảnh đất biên giới, đất và người nơi đây đã trở thành quê hương thứ hai của thầy giáo Nguyễn Văn Hoàng, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học &THCS A Vao, huyện Đakrông. Lòng yêu nghề, mến trẻ và tình cảm nồng ấm của bà con dân bản chính là động lực lớn giúp anh vượt qua mọi khó khăn, vất vả để miệt mài “gieo chữ” ở vùng cao.

Vượt qua mọi khó khăn, tròn 16 năm thầy giáo Nguyễn Văn Hoàng gắn bó với học sinh vùng cao​

Sinh ra và lớn lên tại thành phố Đông Hà, sau khi tốt nghiệp ngành Giáo dục Tiểu học- Trường CĐSP Quảng Trị, năm 2003 thầy giáo Nguyễn Văn Hoàng bắt đầu gắn bó với Trường Tiểu học A Vao (nay là Trường Tiểu học & THCS A Vao) cho đến nay. Đến bây giờ, thầy vẫn chưa thể quên ngày đầu mới bước chân lên mảnh đất A Vao, rồi gắn bó với điểm trường lẻ ở bản Ro Ró, nơi có những học sinh nghèo nhưng hiếu học. Thầy Hoàng kể, ngày ấy từ thành phố Đông Hà muốn lên A Vao chỉ có một phương tiện duy nhất là đi xe đò, xe chỉ chở khách đến trung tâm xã Tà Rụt, sau đó phải mất gần một giờ đi bộ mới đến được điểm trường chính A Vao, sau đó mất thêm hơn một giờ leo núi, men theo lối mòn đường rừng để đến điểm trường lẻ ở bản Ro Ró. Thầy được trường giao chủ nhiệm lớp 1 với 14 học sinh, lớp học là ngôi nhà tạm lắp ghép bằng tranh tre, nứa lá. Những ngày đầu lên lớp, thầy Hoàng bắt đầu tập cho mình quen dần với núi rừng hoang vu, quen với những khó khăn để tiếp tục ở lại truyền con chữ cho học trò.

Ro Ró là một bản nằm ở vùng xa của xã A Vao, đời sống của người dân lúc bấy giờ gặp rất nhiều khó khăn, ý thức về việc cho con em học chữ còn hạn chế. Để các em đến lớp chuyên cần, ngoài giờ lên lớp, thầy Hoàng đã vượt rừng, leo núi, đến tận từng nhà để vận động phụ huynh cho con em đi học, giải thích cho bà con cũng như các em hiểu rõ hơn về lợi ích của việc học chữ. Cảm nhận được sự chân thành của thầy giáo, học sinh và người dân bản Ro Ró ngày càng quý mến anh hơn. Dần dần, các em đến lớp chuyên cần hơn. Đến bây giờ, thầy Hoàng vẫn còn nhớ rõ kỷ niệm về trận lũ lịch sử năm 2005. Ngày ấy điểm trường lẻ Ro Ró có 4 thầy giáo đứng lớp, nhưng ngày cuối tuần 2 thầy đã về xuôi để mua lương thực, thực phẩm. Trận lũ xảy ra đột ngột đã chia cắt bản Ro Ró suốt 2 tuần. Trong thời gian đó, thầy Hoàng cùng với một đồng nghiệp khác ở lại bản và được sống trong sự đùm bọc, yêu thương của bản làng. Những lon gạo, bó củi nghĩa tình mà người dân và học sinh giúp thầy giáo trong lúc hoạn nạn có lẽ là phần thưởng lớn nhất mà những giáo viên vùng cao như thầy Hoàng có thêm động lực để vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Không chỉ truyền đạt kiến thức, thầy Hoàng còn là người bạn luôn gần gũi, động viên, chia sẻ khó khăn với từng học sinh. Bởi vậy, đối với học sinh cũng như người dân ở vùng biên giới A Vao này, thầy Hoàng còn là người bạn, là ân nhân của nhiều hoàn cảnh khó khăn. Đến bây giờ, có lẽ với Hồ Văn Vũ, ở bản Khe Chuông vẫn không thể quên hình ảnh người thầy hiền từ ngày ngày vượt rừng đến nhà đưa em đến lớp. Đó là năm 2013 khi thầy Hoàng được phân công đến dạy tại điểm trường lẻ Khe Chuông, năm ấy Vũ bước vào lớp 1. Nhà Vũ nghèo, lại nằm cách xa trường nên việc đến trường của em rất chông chênh. Thấy cậu học trò nhỏ đến lớp không đều, sau khi tìm hiểu hoàn cảnh của Vũ, hằng ngày thầy Hoàng dậy từ sáng sớm đến tận nhà Vũ đón em đi học. Với sự giúp đỡ nhiệt tình của thầy, Vũ được đến trường đều đặn hơn, trở nên mạnh dạn và tiếp thu bài học rất nhanh. Từ một cậu bé tưởng như phải bỏ giữa chừng việc học do gia cảnh khó khăn, Vũ đã trở thành học sinh lanh lợi, học rất giỏi, là niềm tự hào của điểm trường lẻ bản Khe Chuông ngày ấy. Không riêng Vũ, với những học sinh khác, thầy Hoàng cũng luôn dành sự quan tâm chu đáo. Những lúc rảnh, thầy thường đến tận nhà của học sinh để tạo sự gần gũi, củng cố và nâng cao kiến thức cho các em, đồng thời trao đổi việc học tập của các em với phụ huynh. Thấy các em thiếu quần áo, giày dép khi đến lớp, cứ mỗi lần về xuôi, thầy Hoàng lại quyên góp quần áo, giày dép để gùi lên giúp đỡ các em. Những hành động thầm lặng của người thầy giáo miền xuôi đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân cũng như các học sinh trong trường. Do vậy, dù phải học trong ngôi trường tạm bợ nhưng nắng hay mưa, các em vẫn đến lớp đều đặn. Từ năm 2014, với cương vị mới là Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học & THCS A Vao, dù không trực tiếp đứng lớp nhưng thầy Hoàng vẫn miệt mài cùng Ban giám hiệu nhà trường tiếp tục có nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng dạy, học, đổi mới phương pháp giảng dạy… , từ đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường.

Vẫn biết hành trình “gieo chữ” của thầy Hoàng cũng như nhiều giáo viên khác ở vùng cao còn nhiều khó khăn, vất vả, song chính sự nhiệt huyết, trách nhiệm và nhất là tình yêu nghề đã giúp cho các thầy, cô giáo vượt qua tất cả, với mong muốn hướng các em đến một tương lai tốt đẹp hơn.

Thanh Lê