Những ngày này, đến thăm những cánh đồng trồng cây vụ đông ở xã Quang Hưng (Phù Cừ), ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh nông dân đang tất bật thu hoạch dưa chuột để kịp cân cho thương lái. Điều đặc biệt là dưa chuột ở đây không cần leo trên giàn mà được bà con trồng bò lan dưới mặt ruộng.
Nông dân xã Quang Hưng đang thu hoạch dưa chuột bò đất |
Đã 5 năm nay, vụ đông nào bác Nguyễn Thị Thơi ở thôn Quang Xá (xã Quang Hưng) cũng trồng 4 sào dưa chuột. Tận dụng diện tích đất ruộng sau khi kết thúc vụ thu hoạch lúa mùa, bác Thơi không dựng giàn mà để dưa bò đất. Bác Thơi cho biết, trồng dưa chuột không cần giàn vừa tiết kiệm chi phí mua dóc cắm giàn, vừa giảm công chăm sóc. Bởi nếu trồng dưa leo giàn, bác Thơi phải đầu tư từ 2 – 3 triệu đồng tiền mua cây dóc mỗi sào ruộng.
Thông thường, đầu tháng 9 dương lịch, bác Thơi ươm hạt dưa giống vào bầu. Khoảng 1 tuần sau, bác mang bầu dưa ra ruộng trồng. Khi cây dưa bò lan đến đâu, bác Thơi lót rạ đến đó để tránh quả dưa tiếp xúc với đất ẩm, không bị thối. Sau 30 ngày trồng, dưa chuột cho thu hoạch. Thời gian thu hoạch kéo dài khoảng 2 tháng. Trung bình một sào dưa, bác Thơi thu hoạch được 5 – 6 tạ quả. Với giá bán từ 7.000 – 9.000 đồng/kg, 4 sào dưa chuột vụ đông sẽ mang về cho bác thu nhập gần 20 triệu đồng sau khi trừ mọi chi phí.
Trên thửa ruộng 3 sào, ông Phí Ngọc Sơn ở thôn Thọ Lão (xã Quang Hưng) cũng đang tất bật thu hoạch dưa chuột vụ đông. Trên những luống dưa dài rộng, ông Sơn nhẹ nhàng bước đi, vạch lá tìm quả. Những quả dưa dài, xanh thẫm được ông xếp gọn gàng trong thùng nhựa.
Đã mấy năm nay, từ khi lúa mới đỏ đuôi, gia đình ông Sơn đã rạch luống đặt bầu dưa chuột. Khi cắt lúa từ đồng về nhà cũng là lúc dưa bắt đầu “lại cây”, chuẩn bị bò làn ra mặt ruộng. Kết thúc vụ thu hoạch lúa mùa cũng là lúc cây dưa chuột vụ đông bắt đầu bò lan dưới ruộng. Khi đó, ông Sơn đậy rơm, rạ xung quanh gốc để giữ ẩm, sau đó rải rơm rạ khắp mặt ruộng cho dưa bò bảo vệ quả khỏi hư thối do tiếp xúc trực tiếp với đất ẩm và hạn chế sự phát triển của cỏ dại.
Ông Sơn cho biết: Dưa chuột bò đất rất dễ trồng, năng suất cao và tiêu thụ khá thuận lợi. Được biết, 3 sào dưa chuột của ông Sơn mỗi ngày thu trung bình từ 30 – 40kg quả, thương lái đến tận ruộng thu mua với giá 6.000 – 7.000 đồng/kg. Kết thúc vụ dưa chuột thu hoạch liên tục trong 2 tháng, gia đình ông Sơn cũng ước thu lãi được gần 15 triệu đồng.
Những năm gần đây, xã Quang Hưng trở thành điểm sáng trong phong trào trồng cây vụ đông của huyện Phù Cừ. Bên cạnh trồng những cây vụ đông truyền thống như: bí các loại, ngô, khoai tây…, nông dân xã Quang Hưng còn có nhiều sáng tạo giúp tiết kiệm chi phí sản xuất và công chăm bón, tiêu biểu như phong trào trồng dưa chuột không giàn.
Ông Vũ Văn Thạo, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Hưng cho biết, phong trào trồng dưa chuột bò đất phát triển rộ cách đây khoảng 5 năm, hoàn toàn canh tác trong mùa khô. Ngày trước, bà con chủ yếu trồng xen với cây bí. Mỗi nhà trồng vài miếng để phục vụ nhu cầu gia đình. Dần dần nhận thấy cách trồng này hiệu quả, người dân mới mở rộng diện tích. Hiện nay, toàn xã trồng trên 30 mẫu dưa chuột vụ đông, hộ nào trồng ít cũng phải 1 sào, nhiều từ vài sào đến gần mẫu ruộng.
Phó Chủ tịch UBND xã Quang Hưng cho biết: “Ưu điểm của trồng dưa chuột bò đất là tiết kiệm chi phí mua dóc cắm giàn và công chăm sóc, tận dụng được quỹ đất trống khi kết thúc vụ lúa mùa. Trung bình một sào dưa chuột nếu trồng leo giàn phải tốn từ 2 – 3 triệu đồng chi phí mua cây dóc. Đấy là chưa kể công cắm giàn, buộc ngọn, làm luống đất… Nếu trồng dưa bò đất thì bà con chỉ cần cuốc rãnh làm luống. Bên cạnh đó, cây dưa bò đất sẽ giữ được bộ lá nên hạn chế ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc”.
Trung bình một sào dưa chuột bò đất chỉ tốn chi phí chăm bón khoảng 500.000 đồng, năng suất lại ổn định nên cho thu nhập khá, từ 3 – 4 triệu đồng/sào. UBND xã Quang Hưng xác định, dưa chuột là cây giống chính trong cơ cấu cây vụ đông của xã, đồng thời khuyến khích bà con nông dân đẩy mạnh mở rộng diện tích cây dưa chuột. Đây là một hướng đi mới trong trồng cây vụ đông của xã Quang Hưng, góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.
Dương Miền