Học sinh tự tin trình bày dự án, phản biện dự án khoa học lưu loát, chủ động lên kế hoạch nâng cấp sản phẩm sau khi được Ban Giám khảo tư vấn... là những dấu ấn làm nên sự hấp dẫn Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm học 2019-2020, tổ chức mới đây.
Dự án “Máy vò meo” của nhóm học sinh Trường THCS Long Phú, thị xã Long Mỹ.
Nhiều dự án sáng tạo
Điểm đột phá trong cuộc thi lần này là nhiều dự án mang tính ứng dụng thực tế cao. Chỉ tay vào dự án “Máy thu gom rác thải” của mình, em Trần Minh Trí, học sinh Trường THCS Thuận Hưng, huyện Long Mỹ, chia sẻ: “Dự án được em thực hiện vào đầu năm học. Bắt tay vào thực hiện, em cũng gặp nhiều khó khăn như thiết kết sản phẩm thế nào cho nhỏ gọn, lựa chọn những tính năng nào cần thiết nhất, sử dụng nguồn năng lượng nào để tiết kiệm chi phí khi sản phẩm hoạt động… nhưng từ những cái khó, em càng cảm thấy hấp dẫn và quyết tâm hoàn thành dự án tốt nhất”. Trình bày đầy tự tin, lưu loát, phản biện nhanh những câu hỏi từ Ban giám khảo, nhờ ban giám khảo tư vấn, sau dự án này em Trí đang có thêm kế hoạch sẽ nghiên cứu thêm các tính năng như tự động cắt cỏ, có thể điều khiển từ xa… để sản phẩm thật sự phát huy được hết tính năng.
Còn dự án “Máy vò meo” của nhóm học sinh Trường THCS Long Phú, thị xã Long Mỹ, nếu được thiết kết với kích thước lớn hơn, sử dụng nguồn năng lượng phù hợp để máy vận hành khi đưa vào thực tế sử dụng, sẽ giúp người trồng nấm rơm giảm thời gian lao động. Em Nguyễn Thị Lê, đại diện nhóm thực hiện dự án, bộc bạch: “Em thấy ba mẹ trồng nấm rơm cực quá, nhất là quá trình làm meo nấm khá vất vả và độc hại, ảnh hưởng sức khỏe, nên em đã nảy sinh ra ý tưởng này. Em muốn thực hiện dự án để tạo ra một sản phẩm bằng máy móc cho ba mẹ và các cô chú trồng nấm rơm nhẹ nhàng hơn với công việc mà năng suất, chất lượng meo đạt cao hơn làm thủ công”.
Nâng tầm chất lượng cuộc thi
Ông Trần Hiền Hòa, Trưởng phòng Giáo dục trung học - Giáo dục thường xuyên, Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: “Rất khó cho ban giám khảo khi phân định thứ hạng giải thưởng cho các dự án tham gia trong cuộc thi lần này. Hàm lượng khoa học, sự tư duy, tính sáng tạo trong mỗi dự án đều được các em học sinh thể hiện tốt. Nhất là các em học sinh cấp THCS, tuy còn nhỏ tuổi, chưa có nhiều kiến thức khoa học như các anh chị cấp THPT, nhưng hầu hết các dự án tham gia đều mang tính ứng dụng rất cao. Chúng tôi rất hài lòng khi chất lượng của các dự án tham gia năm nay khá tốt. Các sản phẩm dự thi đều gắn liền với nhu cầu tất yếu cuộc sống của con người”.
Đặc biệt là có 2 vấn đề nóng, rất thời sự mà xã hội đang quan tâm trong thời gian qua là vụ việc liên quan học sinh tử vong trên ô tô và việc giáo dục phòng chống, rác thải nhựa, đã được các em đưa ý tưởng nghiên cứu thành đề tài, để góp phần tránh tình trạng này. Là dự án “Thiết bị điểm danh và báo động” của nhóm học sinh Trường THPT Vị Thanh; dự án “Nói với chất thải nhựa trong lớp học và trên sân trường nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường” của nhóm học sinh Trường THPT Tân Phú, thị xã Long Mỹ; dự án “Máy thu gom rác thải”… Em La Quốc Thịnh, học sinh Trường THPT Vị Thanh, đại diện nhóm thực hiện dự án “Thiết bị điểm danh và báo động”, chia sẻ: “Chúng em thực hiện dự án này vì muốn tạo ý thức chủ động trong học tập hơn của các bạn học sinh. Đây là giải pháp chúng em muốn góp phần cùng với nhà trường trong việc quản lý học sinh. Nhờ nghiên cứu khoa học, em đã mạnh dạn hơn trong cách trình bày ý tưởng, sự sáng tạo với mọi người”.
Ban giám khảo cuộc thi không chỉ chú ý đến các báo cáo khoa học của học sinh, mà quan trọng hơn là tìm hiểu tiến trình làm nghiên cứu của các em. Các em đã làm khoa học như thế? Tư duy của các em ra sao? Điểm sáng tạo của các em ở chỗ nào?... đã giúp định hướng quá trình nghiên cứu sau này.
Chính sự tự tin và đam mê nghiên cứu khoa học, các em học sinh đã cho ra đời những dự án mang tính khả thi cao như dự án: “Máy đánh giày tự động” của em Nguyễn Ngọc Phương Vy, học sinh Trường THCS thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành A; “Máy ấp trứng ốc bươu đen ứng dụng công nghệ IOT” của nhóm học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú Him Lam, huyện Châu Thành A; “Thiết bị hỗ trợ phần mềm trắc nghiệm TNMaker” của nhóm học sinh Trường THPT Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy…
Đây là năm thứ 7, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức cuộc thi. Cuộc thi năm nay có số lượng dự án gấp 3 lần so với năm đầu tiên tổ chức (năm học 2013-2014). Ông Nguyễn Hùng Nhiên, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi, cho biết: “Thành công của cuộc thi không chỉ đến từ số lượng các dự án tham gia mà quan trọng là các em học sinh đã thể hiện rõ sự nhiệt tình, chủ động, say mê nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Nhiều dự án đã đem lại sự bất ngờ, thích thú cho các thành viên ban giám khảo cuộc thi. Đây thật sự là một sân chơi trí tuệ, thúc đẩy việc đổi mới phương pháp dạy và học trong trường phổ thông. Cuộc thi đã đảm bảo theo phương châm “Học đi đôi với hành”, đào tạo ra những học sinh có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, biết giải quyết tốt những vấn đề thực tiễn của cuộc sống”.
Bài, ảnh: CAO OANH